Sau một thời gian sử dụng, khoang động cơ dưới nắp capo ô tô thường bám bụi bẩn, dầu mỡ,… việc làm sạch là điều cần thiết. Tuy nhiên, không ít chủ xe băn khoăn có nên rửa khoang máy ô tô hay không, bởi khu vực này ngoài máy móc còn có hệ thống dây điện.
Có nên rửa khoang máy ô tô?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, rửa khoang máy xe ô tô là việc làm cần thiết. Bởi việc vệ sinh khoang động cơ sẽ giúp xe chống cặn bẩn, gỉ sét. Đồng thời, giúp làm chậm quá trình lão hóa của những thiết bị, linh kiện, phụ tùng trong khoang động cơ, nhất là dây điện, ống dẫn có vỏ bọc bằng nhôm hoặc nhựa.
Đọc thêm: Khoảng Sáng Gầm Xe Là Gì? Tiêu Chuẩn Các Loại Xe Phổ Biến
Khi bề mặt động cơ bám bụi và bị phủ bởi lớp ôxi hóa, sẽ khiến quá trình tản nhiệt tự nhiên qua thân vỏ máy bị ảnh hưởng, hiệu quả của động cơ vì thế cũng bị hạn chế ít nhiều. Do đó, việc rửa khoang máy xe ô tô sẽ giúp tăng hiệu quả làm mát động cơ.
Rửa khoang máy ô tô còn giúp giữ vệ sinh sạch sẽ và làm tăng tính thẩm mỹ của xe. Thi thoảng mở nắp capo, nhìn thấy máy móc sạch sẽ thì hẳn ai cũng thích mắt và nó cũng có lợi khi bạn quyết định chào bán chiếc xe của mình.
Ngoài ra, việc vệ sinh khoang động cơ còn giúp người dùng tránh được các nỗi lo về chuột, côn trùng xâm nhập từ bên ngoài vào làm hỏng các dây dẫn nhiên liệu, gioăng cao su,…giúp xe vận hành an toàn và bảo vệ các chi tiết máy.
Một điểm quan trọng mà người dùng nên rửa khoang máy xe ô tô chính là việc giúp phát hiện sớm những hỏng hóc bất thường. Bởi mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng sẽ giúp phát hiện ra những bất thường như: dây điện hở, tuột mối nối hoặc ống dẫn bị rạn nứt,… Lúc này, người dùng sẽ chủ động có phương án khắc phục, giúp tiết kiệm hơn so với lúc hư hỏng xảy ra bất ngờ trên đường.
Có nên rửa khoang máy xe ô tô bằng nước?
Nhiều người e ngại việc rửa khoang máy xe ô tô bởi họ sợ nước dễ làm hư hại một số thiết bị như hộp đen, cầu chì hoặc lọt vào cửa hút gió làm hỏng động cơ. Tuy nhiên, có rất nhiều đơn vị dịch vụ dùng nước kết hợp với hóa chất chuyên dụng để vệ sinh khoang máy xe ô tô. Điều này có nghĩa là việc dùng nước khá phổ biến và không có gì nghiêm trọng.
Người dùng có thể phòng tránh được bằng cách che chắn và bảo vệ các thiết bị nhạy cảm. Những chỗ còn lại có thể dùng nước xịt sẽ làm tăng tốc độ và hiệu quả làm sạch lên rất nhiều so với khi không dùng.
Nếu vẫn lo lắng, có thể tự làm thủ công mà không xịt nước trực tiếp vào khoang máy. Cụ thể, dùng khăn ẩm và chổi quét những chỗ có bụi bẩn. Tuy nhiên, cách làm này hơi mất thời gian và hiệu quả cũng không cao.
Các bước rửa khoang máy xe ô tô
Dù vệ sinh khoang động cơ ô tô ở nhà hay ngoài gara cũng cần phải làm đúng kỹ thuật và tuân thủ các bước sau:
Bước 1: Mở nắp capo, dọn dẹp khoang máy
Sau khi xe hoạt động, khu vực khoang máy thường nóng và nhiệt độ cao ở một số chi tiết cũng có thể sẽ khiến bạn bị bỏng. Do đó, trước khi vệ sinh cần mở nắp capo từ 15 – 20 phút để giảm nhiệt. Đồng thời, việc làm này cũng giúp các bộ phận như van, đường ống bằng cao su, dây đai,…không bị giảm tuổi thọ do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Khi khoang máy đã nguội, loại bỏ các mảnh vụn, cành cây hoặc lá khô lọt vào khoang động cơ, đặc biệt là khu vực gần khe gió và dưới kính chắn gió.t
Bước 2: Che chắn các mạch điện
Sau khi dọn dẹp rác ở khoang động cơ, dùng bọc nilon hoặc băng keo chống nước chuyên dụng để che chắn các mạch điện và các thiết bị điện tử. Đồng thời, kiểm tra nắp che chắn các cực ắc quy, trường hợp không đảm bảo an toàn bạn nên tạm thời ngắt kết nối.
Bên cạnh đó, dùng khăn sạch hoặc túi nilon bịt cổ hút gió, máy phát điện để tránh nước xâm nhập gây hư hỏng thiết bị.
Bước 3: Xịt dung dịch vệ sinh khoang máy
Xịt dung dịch vệ sinh lên các khu vực trong khoang máy, sau đó để khoảng 3 – 5 phút cho dung dịch hòa tan, làm mềm cặn bẩn hoặc dầu mỡ bám trên các chi tiết động cơ. Nếu chăm sóc xe tại nhà, chủ xe nên trang bị các loại dung dịch chuyên dụng như 3M, Black Magic hoặc Meguiars. Bởi các xà bông hay các chất tẩy rửa có thể làm mòn các chi tiết kim loại, cao su trong khoang động cơ.
Sau đó, dùng bàn chải, chổi, kết hợp dung dịch vệ sinh động cơ để loại bỏ các vết bẩn xung quanh khoang máy.
Bước 4: Xịt rửa lại bằng nước sạch
Sau khi đã làm sạch khoang máy bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng, hãy dùng vòi xịt nước, xịt rửa lại các khu vực xung quanh khoang động cơ để làm sạch.
Lưu ý không dùng các loại máy xịt có áp lực cao và không xịt nước trực tiếp vào khu vực lắp đặt các bộ phận điện tử, mạch điện. Thay vào đó, dùng bàn chải nhỏ để vệ sinh các ngóc ngách rồi dùng khăn sạch lau khô để tránh việc nước bắn vào các chi tiết này.
Bước 5: Lau khô các chi tiết và kiểm tra lại khoang máy
Dùng khăn mềm kết hợp với vòi xịt khí nén để lau khô các chi tiết trong khoang động cơ. Cần chú ý lau khô các giắc cắm, dây gugi và các bộ phận điện tử.
Sau khi đã hoàn thành việc vệ sinh khoang động cơ ô tô, bắt đầu tháo gỡ băng keo, bọc nilon đã bọc các mạch điện, cổ hút gió, máy phát điện. Kiểm tra xem có vật dụng nào còn sót lại trong khoang máy rồi đậy nắp che chắn động cơ, nắp capo. Cuối cùng khởi động xe kiểm tra các chi tiết có hoạt động bình thường hay không là bạn đã hoàn tất quá trình vệ sinh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!